Tết Trung thu có từ bao giờ?

(Sưu tầm, trích từ hanoi.vnn.vn)

Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu.

Theo Âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày „lành“ để làm lễ tế thần mặt trăng.

Ở nước ta và một số nước châu á khác, ngày 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm được lấy làm ngày Tết Trung thu.

Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng trong dịp Tết Trung thu đã có từ thời Bắc Tống ở Trung Quốc, cách đây trên 1.000 năm.

Trong đêm 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh „đoàn viên“, bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.

Đêm Trung thu, các em rước đèn, múa sư tử. Ngoài Bắc gọi là múa sư tử, trong Nam gọi là múa lân. Lân còn gọi là kỳ lân. Kỳ là tên con đực, lân là tên con cái. Lân là con vật đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Lân là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người tốt mới nhìn thấy nó được.

Thoạt nhìn, đầu lân giống đầu sư tử. Do vậy, người ta gọi múa lân thành múa sư tử.

Ở một vài địa phương, có tục lệ các em rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Đèn kéo quân hình vuông, cao khoảng 80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm. Bốn mặt đều phết giấy Tàu bạch như giấy bóng mờ hiện nay. Phía trên và phía dưới có đường viền sặc sỡ. Bên trong có một tán giấy hình tròn. Khi đốt đèn, hơi lửa bốc lên, tán giấy xoay quanh. Đèn kéo quân còn gọi là đèn chạy quân vì hình đoàn quân cứ liên tục kéo đi, chạy đi không ngừng hết vòng nọ đến vòng kia. Chỉ khi nào đèn hết dầu (nến), đèn tắt thì các tán không quay nữa. Đèn có bốn mặt, hình ảnh xem ở mặt nào cũng được.

Trẻ em rất thích ăn bánh Trung thu, múa lân và rước đèn kéo quân. Từ đó, Tết Trung thu nghiễm nhiên trở thành Tết của các em từ hàng ngàn năm nay.

Tết Trung thu

Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.

Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi chung là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống… sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ.

Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

* Thi cỗ và thi đèn

Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

* Hát Trống quân

Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng „thình thùng thình“ làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

* Múa Sư tử (múa lân)

Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.

Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền.

Sự tích đèn kéo quân

Ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chũng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho Vua vừa ý.

Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức. Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng:

– Ta là Thái Thượng Lãn Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua.

Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà Vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng:

Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn.

Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, thì con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện những cá tính của con người.

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy nhờ sự khéo léo của mẹ con Lục Đức. Vua ban thưởng cho mẹ con chàng rất hậu và phong cho Lục Đức làm Van Hộ Hầu.

Từ đó, mối khi đến tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Bánh Trung thu

Tết Trung thu, phải nói đến bánh nướng, bánh dẻo, cũng giống như chiếc bánh chưng trong ngày Tết Nguyên đán.

Bánh dẻo có hai phần: Phần áo và phần nhân. áo bánh phải chọn gạo nếp vàng, vùng Trôi hoặc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Gạo được rang rồi xay, hoặc giã nhỏ mịn, nhào với nước đường thắng ngan ngát một mùi hương bưởi. Tất cả những công đoạn kể trên đều phải do một bàn tay thợ có „nghệ“ đảm nhiệm. Người thợ không được sai sót một khâu nào. Sai một ly đi một dặm. Lúc ra khuôn, cái bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của một bông hoa nở 8 cánh hoặc 10 cánh. Khuôn mặt áo bánh dẻo mịn, bánh ngọt đậm, thơm dịu. Phần nhân bánh nhất thiết do thợ cả quán xuyến với những khâu quan trọng đầy bí quyết nhà nghề như: rang vừng, ủ vừng, xử lý mứt bí khẩu, mứt sen, hạt dưa, hạnh nhân, ướp nhân, tạo hương cho nhân…

Nhân của bánh dẻo chay tịnh, thoảng hương đồng gió nội. Mãi về sau này, người ta mới phá cách cho thêm lạp sường vào. Nhân bánh nướng được cải tiến với nhiều sáng kiến. Mỗi hiệu bánh đều muốn có phần độc đáo của mình. Vả lại bánh nướng là „em“ của bánh dẻo. Nó sinh sau đẻ muộn, mới xuất hiện từ năm 1930 nên lắm trò hơn. Ngoài mứt bí, hạt dưa, nhân bánh nướng còn có thêm lòng đỏ trứng ở giữa hoặc thịt lợn quay, gà quay, lạp sường… gọi là nhân thập cẩm… Bánh nướng cũng có loại nhân chay bằng đậu xanh mịn, dừa sợi, hạt sen…

Bánh dẻo trắng trong, bánh nướng có màu vàng sẫm và vàng nhạt do chỗ nướng già, nướng non tạo ra, thường có đường kính chừng 7-8 cm, chiều dày 2,5-3 cm. Cứ 4 cái bánh được xếp chồng lên nhau là một cân. Ngoài giấy bọc, có in nhãn hiệu với số nhà, tên phố. Càng hiệu lớn, càng in nhãn hiệu đẹp và nhiều màu sắc. Nhiều nhà còn đặt làm những chiếc bánh dẻo đặc biệt to bằng chiếc đĩa tây hoặc gần bằng cái mâm, trên có hình mặt trăng tròn, lưỡng long tranh châu, song phượng…

Nghĩa là người thợ làm cả cái việc tạo hình trên chiếc bánh.

Bánh dẻo, bánh nướng Trung thu nói lên cái tài hoa của người thợ. Hằng năm, cứ đến gần Tết Trung thu là các hiệu lại rộn rã cho người về các vùng lân cận, đón các phường thợ làm bánh nổi tiếng ra Hà Nội vào mùa. Các chủ hiệu ưu ái họ lắm, mỗi người được chủ hiệu phát một áo choàng trắng, mũ trắng và một đôi guốc mộc. Các cửa hàng lấy làm hãnh diện đã mời được ông Toán làng Bưởi, các ông Quế Xuân, Tảo Sở, ông Long, Đồng Kỵ, hoặc ông Lý, Bắc Ninh…

Sự thật đã có một thời vẻ vang. Các hiệu bánh Tùng Hiên, Tràng Thái, Ngọc Anh, Cự Hương, Việt Hương… đã nổi danh xa gần ai cũng biết tiếng. Bánh của họ đủ sức cạnh tranh với các hiệu người Hoa như Tây Nam, Đông Hưng Viên, Mỹ Kinh. Từ kẻ chợ đến vùng quê, nhân dân các tỉnh khác không bao giờ quên. Sản phẩm của họ với cái „tạng“, cái „gu“ Việt Nam. Có điều, các hiệu của người Hoa chú ý nhiều đến bao bì, quảng cáo hơn. Họ tiếp khách niềm nở với đủ những chi tiết tế nhị và tỉ mỉ.

Tết Trung thu, nhà nào cũng phải có bánh dẻo. Người nghèo cũng cố mua cho con cái một vài cái bánh dẻo. Không có bánh dẻo tức là không có Tết. Người ta làm quà cho ân nhân, khách quý, bạn thân… bằng bánh Trung thu. Chiếc bánh dẻo tròn, gợi hình mặt trăng, sự tròn đầy.

Trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian cho trẻ em ở nước ta có những đặc điểm nổi bật: dễ chơi, em nào cũng tham gia được chơi ở địa điểm nào cũng được, lại có cả hát kèm theo, giàu tính trí tuệ và không tốn tiền.

Trò chơi dân gian cho trẻ em có thể chia ra làm nhiều loại. Có loại lợi dụng sức gió như chơi chong chóng, chơi trò đánh gậy, thả diều… Chỉ cần hai mảnh lá dứa bện chéo vào nhau, cắm một cái gai hoặc cái tǎm nối với một khúc cành tre bằng cái đũa, có lỗ, là trẻ em đã có cái chong chóng quay tít. Cầm chong chóng chạy ngược gió thì thích biết bao. Còn thằng đánh gậy ư ? Chỉ là cành dâu, tiễn khúc, có cả chân tay, đầu mình, hai tay nối với cái „gậy“. Cái gậy lại buộc với hình tròn bằng lòng bàn tay. Tất cả nối liền nhau, treo lên trước gió. Gió thổi vào hình tròn làm cái gậy quay tít. Thằng đánh gậy trở nên sinh động như võ sĩ đang múa. Thả diều thì khỏi phải nói. Chiều hè lộng gió, cánh diều bay bổng trời cao. Tiếng sáo ngân trong trẻo. Lũ trẻ nằm trên bờ đê cỏ xanh, ngẩng mặt lên dõi nhìn, sung sướng.

Những trò chơi dùng lửa hoặc ánh sáng như rước đèn ông sao, đèn lồng, đèn hình cá … vào đêm Trung thu hẳn không gì lộng lẫy và huyền ảo hơn. Đặc biệt nhất là đèn kéo quân (còn gọi là đèn cù). Khi ngọn nến được đốt lên, chong chóng quay, đèn cũng quay. Thế là các con vật tự nhiên chạy. Có lẽ từ cái trò chơi này, bài dân ca „Đèn cù“ đã ra đời. Ông cha ta đã biết tận dụng luật đối lưu của không khí để tạo nên trò chơi thông minh và sinh động.

Những trò chơi dùng nước cũng không ít. Trẻ em có thể gấp con thuyền giấy, hoặc một cái lá khô hay cái bẹ hoa chuối đã có thể thành thuyền được gió đưa đi bǎng bǎng trên mặt nước. Thời sau này, các em cho dính một tí xà phòng bánh vào đuôi mảnh giấy rồi thả ngay trong thau nước. Xà phòng tan, tạo ra lực đẩy mảnh giấy lao đi, dễ làm mà cũng không kém phần thích thú. Trò chơi dân gian Việt Nam góp phần rèn luyện trí tuệ cho trẻ em. Các em có thể ngồi quanh bàn cờ hàng giờ và tính toán nước đi sao cho thắng. Chỉ với hình vẽ bằng than, gạch non hay phấn trên sân và một ít sỏi hoặc đá dǎm, các em đã có thể „chơi ô ǎn quan“ được rồi. Người chơi muốn thắng phải tính rải quân như thế nào để cuối cùng thu được nhiều quân của đối phương về mình.

Phần lớn các trò chơi cho trẻ đều có tác dụng rèn nǎng lực khéo tay, nhanh mắt. Từ hòn đất sét dẻo và mềm, các em có thể nặn ra đủ thứ quả hoặc con vật cực kỳ sinh động. Trẻ con theo mẹ đi chợ, đố cháu nào bỏ qua được mẹt tò he của bác thợ nặn bằng bột trắng, vàng, xanh, đỏ … những Thánh Gióng cưỡi ngựa, Quan Công, chú Tễu… hồn nhiên và hấp dẫn. Riêng các bé gái rất mê đánh chuyền. Chỉ với 10 que chuyền và một quả chuyền bằng quả ổi xanh, quả cà, quả bưởi con bị rụng hoặc véo hòn đất dẻo vo tròn lại là xong. Các em vào trò : tay tung quả lên, lại phải nhặt que chuyền rồi bắt quả cho đúng, miệng phải nói từng câu cho hợp, cho nhịp nhàng với từng động tác. Vì thế mắt phải tinh, tay phải nhanh, khéo và chính xác. Từ nhặt một que mỗi lần đến hai que, ba que … và cuối cùng là 10 que. Các que ấy được rải ra nên rất khó vơ, làm sao trong một giây phải vơ gọn, vơ hết, không rơi que nào và lại bắt gọn quả chuyền cũng bằng bàn tay ấy. Thế mới khó. Làm được mới giỏi.

Trò chơi dân gian còn mang tính thể thao, rèn luyện sức mạnh và sự dẻo dai cho trẻ. Chỉ với cái mo cau rụng, đứa ngồi, đứa kéo chạy vòng quanh sân đã trở thành chiếc xe bǎng bǎng. Rồi nhảy dây, đá cầu, đu, nhào lộn,… đều cần đến cơ bắp vừa mạnh vừa chính xác. Cái trò „trồng nụ trồng hoa“ chẳng cần dụng cụ gì mà hấp dẫn hết chỗ nói. Đây chính là môn thể thao nhảy cao không cần xà. Mới đầu nhảy qua một hai bàn chân dựng đứng thì dễ, đến khi cả bốn bàn chân và bốn nắm tay của cả hai trẻ chồng lên cao thì có lẽ đã đến sáu bảy mươi phân, nhảy qua không chạm quả là không phải đùa.

Tính tập thể kết hợp với ca hát cũng là nét độc đáo của trò chơi dân gian cho trẻ em. Điệu múa kỳ lân đêm Rằm tháng Tám, trò chơi „thả đỉa ba ba“, vừa chơi vừa hát những câu đồng dao bao nhiêu trẻ tham dự cũng được.

Do cuộc sống lao động gắn liền với thiên nhiên hoang sơ nên trẻ em sớm biết chơi với các con vật. Ngoài chim muông, trẻ em còn biết đưa chuồn chuồn, châu chấu, cào cào vào trò chơi.

Tiếc rằng những trò chơi hồn nhiên và hấp dẫn ấy ngày nay đang bị mai một. Hình như ở ta chưa có nhà nghiên cứu chuyên về trò chơi cho trẻ em để có thể sáng tạo ra các trò chơi mới kết hợp hai yếu tố dân gian phổ biến với hiện đại. Các nhà trường, nhất là trường mẫu giáo và tiểu học, có dạy trò chơi nhưng nặng về mục đích „học“, nhẹ về „chơi“. ở gia đình thì cha mẹ, anh chị hình như quá bận bịu với nhiều công việc khác nên thiếu quan tâm hướng dẫn các em chơi. Trẻ em lại phải bù đầu vào học nên ít còn giờ chơi. Nền khoa học phát triển, trò chơi điện tử xuất hiện cuốn hút các em. Cái đó cũng có mặt tốt nhưng không phải em nào cũng có tiền để chơi và nếu chơi nhiều gây mỏi mắt hại sức khỏe… Đấy là chưa kể đến một số trò chơi và đồ chơi mang tính bạo lực như súng bắn nước, súng bắn đạn nhựa, gươm, kiếm, dao gǎm… gây ra không ít tai nạn cho trẻ mà nhiều bài báo đã phê phán.

Sẽ là rất thiếu nếu chúng ta nói đến việc chǎm lo cho trẻ em chỉ là ǎn mặc, học hành mà không nói đến trò chơi cho trẻ. Vì vậy, theo chúng tôi, cần quan tâm cụ thể hơn nữa tới việc khôi phục các trò chơi dân gian kết hợp với tính hiện đại để thu hút trẻ em vào những cuộc chơi thật sự vui, khỏe và bổ ích.

Bánh hình đầu sư tử

Nguyên liệu ruột bánh:

Bột làm bánh gatô: 2 gói (680g)
Trứng: 4 quả
Sữa: 1 hoặc 1/3 chén
Bơ: 6 muỗng (nghiền nát)

Nguyên liệu lớp kem phủ mặt bánh:

Bơ: 250g
3 chén đường trộn với 1/4 chén sữa
Bột ca cao: 1 muỗng
Mì ống: 2 sợi và một ít kem dâu lỏng để trang trí

Cách làm:

1.  Bôi mỡ lên chảo. Phủ một lớp giấy lên mặt chảo, sau đó lại bôi mỡ lên lớp giấy
2. Trộn trứng, sữa, bơ với bột bánh, nhào bột cho đều, thêm nước vào từ từ. Cho hỗn hợp vào chảo rồi dàn đều.
3. Cho chảo vào lò có nhiệt độ cao (hoặc nồi cơm điện cũng được) trong khoảng 45 phút.   

Để 5 phút cho bánh nguội rồi lấy ra để vào đĩa
4. làm kem phủ bánh: Đánh đều bơ, đường, sữa. Nhuộm vàng 1/4 hồn hợp kem. Chia đôi số còn lại. Cho bột ca cao vào hỗn hợp kem.
5. Phun kem màu vàng lên toàn bộ bánh. Cho kem ca cao lên mặt bánh tạo hình mặt sư tử dùng mì ống và kem dâu. Dùng đầu tăm lấy kem nâu chấm xung quanh ria sư tử.Chiếc bánh sẽ rất ngon và khá ngộ nghĩnh .

Bánh dẻo thập cẩm

Nguyên liệu:

Bột nếp rang loại tốt    1,100 kg
Thịt nạc                      0,200 kg
Lạp xường                  0,100 kg
Mỡ phần                     0,300 kg
Trứng gà                     1 quả
Vừng trắng                  0,100 kg
Đường kính                 1,200 kg
Mứt bí                         0,500 kg
Mứt sen                      0.300 kg
Một ít tinh dầu hoa bưởi hay vani

Quy trình kỹ thuật:

Vỏ: Cho 1,1 kg đường vào nước lã đun sôi, lọc sạch, để nguội. Đổ 1 kg bột theo hình miệng giếng, đổ nước đường và tinh dầu hoa bưởi vào giữa rồi nhào bột cho thật dẻo quánh, nặn bột thành từng phần theo khuôn bánh.

Nhân: Mỡ phần luộc chín thái hạt lựu, ướp một ít đường. Lạp xường thái mỏng, thị lợn rán vàng thái hạt lựu. Mứt bí băm nhỏ hạt lựu. Vừng rang vàng sát vỏ. Trộn đều mỡ phần, thịt, lạp xường, mứt bí, mứt sen để nguyên hạt, vừng rang, 0,1 kg đường, 0,05 kg bột nếp rang, tinh dầu hoa bưởi, trộn đều, nặn thành từng nắm theo khuôn bánh.

Thành bánh: Ấn bẹp bột vỏ, cho nhân vào giữa, nắn tròn cho bột bao kín nhân, xoa bột khô còn lại vào khuôn để tránh rách bánh, cho vào khuôn gỗ in thành bánh.

Bánh nướng thập cẩm

Nguyên liệu (20 chiếc):

Bột mì                        0,600 kg
Bột nếp rang              0,100 kg
Thịt lợn vai                 0,300 kg
Lạp xường                 0,200 kg
Trứng vịt                    4 quả
Trứng vịt muối            5 quả
Dầu                           0,100 lít
Mỡ nước                   0,100 lít
Lạc nhân                    0,100 kg
Đường kính                0,250 kg
Muối                          0.005 kg
Rượu trắng                1 cốc
Mứt bí                        0,300 kg
Mứt sen                     0.200 kg
Dừa nạo                     0,200 kg
Lá chanh                    5 lá

Quy trình kỹ thuật:

Vỏ: Cho 0,2 kg đường vào nước lã đun sôi, lọc sạch, để nguội. Bột mỳ rây sạch quây hình miệng giếng, đổ nước đường, dầu, vài giọt phẩm màu gạch cua nhào kỹ, để 15 – 20 phút.

Nhân: Trộn đều lạc rang vàng (hoặc hanh nhân), mỡ, muối, 0,05 kg đường, mứt bí thái hạt lựu, mứt sen để nguyên hạt, lạp xường thái mỏng, tưới thêm một cốc rượu, thêm lá chanh thái chỉ. Thịt lợn ướp rồi quay xá xíu, thái hạt đậu, bột nếp rang (cho nhân dính nhau). Chia nhân làm 20 phần, cho trứng muối cắt tư vào giữa nắm lại.

Thành bánh: Chia bột 20 phần, cán mỏng, gói nhân vào giữa, đóng khuôn. Pha cứ một lòng đỏ trứng vịt, một thìa cà phê đường, một thìa cà phê dầu, vài giọt phẩm màu gạch cua đánh tan đều. Rồi dùng chổi lông gà phết lên mặt bánh, cho vào lò nướng chín vàng.

Ông trăng rằm

Vật liệu:

+ 1 đế bánh lót sẵn

+ 2 bánh bơ vuông cạnh 20 cm

+ 2 bánh bơ tròn cạnh 20 cm hoặc bánh xốp mua sẵn

+ Cốm màu dùng để rắc
+ Màu thực phẩm: xanh, tím, cam vàng và đỏ
+ Vài cọng cam thảo
+ các loại kẹo viên màu và kẹo dẻo

Cách làm:

1. Xếp cặp bánh vuông lên nhau, phết lớp kem ở giữa. Đặt trên đế đã chuẩn bị trước. Chia kem phủ thành 2 phần bằng nhau. Quét một phần kem phủ lên mặt bánh vuông; để lại 2/3 tách kem phủ cho khuôn mặt. Rắc lên mặt bánh vuông một lớp cốm màu đa sắc và miết xuống bằng lưỡi dao.
2. Chia kem phủ còn lại thành 4 phần bằng nhau. Pha cho mỗi phần 1 màu riêng (không pha màu đỏ). Nặn 4 vạch kem trắng lên mặt bánh tròn, chia nó thành 8 múi xếp nếp, tô mỗi múi đó một màu khác nhau theo hình vẽ.
3. Đặt cái bánh tròn vừa phủ kem nằm lên bánh vuông rắc đầy màu. Cắt thanh cam thảo làm 4 cọng và gắn trên mặt bánh tròn, viền quanh đó những cục kẹo dẻo và kẹo nhỏ như hình vẽ.
4. Dựng cái mặt đứng trên bánh tròn đã trang trí xiên lại bằng những xiên nhọn (bánh tròn còn lại). Nhuộm màu vàng cho kem để dành và phủ khắp mặt bánh. Pha 2 thìa kem cho phần còn lại với vàng và đỏ để điểm cho đôi môi. Trang trí nốt mặt trăng theo hình vẽ.

Bánh trống cơm

Vật liệu:

+ 1/3 tách nước ép dâu tây

+ 1 đế bánh bao sẵn

+ 2 bánh bơ tròn đường kính 20 hoặc 23 cm hay loại bánh nướng xốp bán sẵn

+ 1 lượng tiêu chuẩn kem bơ
+ Viên màu nhỏ đa sắc
+ Màu thực phẩm xanh lục
+ 1 đôi đũa kẹo để nạm dùi trống
+ Một dây ruy băng màu xanh lục dài 0,9m
+ Những viên kẹo vuông hương cam thảo hay vị trái cây

Cách làm:

1. Kẹp 2 bánh bơ vào mứt dâu tây
2. Trộn một nửa chỗ kem thành màu xanh nhạt. Chia chỗ kem còn lại thành 2 phần. Để dành 1 phần kem trắng, nhuộm kem xanh đậm 1 phần. Phủ kem trắng lên mặt trống; lớp kem xanh nhạt trang trí quanh thành trống.
3. Cắt dây ruy băng dài vừa với vòng trống, kết nó bên viền bánh theo hình chữ chi.
4. Dán viền kẹo vuông cam thảo hay vị trái cây lên thành trống. Nặn lớp kem xanh đậm trên mép trống. Bọc đôi đũa lại bằng giấy bóng và lắp kẹo làm đầu trống. Hoàn tất bánh như hình bên

Trung thu khắp nơi

Nhật Bản

Mỗi nǎm nước Nhật có hai hội thưởng trǎng (theo Âm lịch). Hội đầu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền „Otsuki-mi“ (có nghĩa là ngắm trǎng vào ngày rằm giữa mùa thu), kế đến là hội ZYUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10. Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trǎng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trǎng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo. Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trǎng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMOURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Theo truyền thống, để chuẩn bị cho đêm ZYUYOGA, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ trông trǎng (gồm: Bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác) được bày trên một bệ đứng hoặc bàn, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần cửa sổ. Người Nhật cho rằng có thỏ sinh sống trên mặt trǎng, vì vậy khi ngắm trǎng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang ǎn bánh bao.

Trung Quốc

Rằm tháng tám hay rằm Trung thu là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất ở Trung Quốc – được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch. Người xưa cho rằng đó là ngày mà mặt trǎng đạt tới độ sáng nhất và tròn nhất.

Rằm tháng tám hay được gọi là lễ hội của phụ nữ. Mặt trǎng tượng trưng cho vẻ đẹp và sự duyên dáng. Trong khi người phương Tây thờ mặt trời biểu trưng cho sức mạnh thì người phương Đông lại ngưỡng mộ mặt trǎng. Mặt trǎng tượng trưng cho đức hạnh của người phụ nữ và đồng thời còn là một người bạn đáng tin cậy. Người Trung Quốc thường đặt tên cho con gái là Nguyệt với mong ước chúng sẽ đáng yêu và xinh đẹp như trǎng vậy.

Ở Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về chị Hằng. Nếu nhìn lên mặt trǎng đúng ngày rằm Trung thu trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng, lúc đó nếu em nào có điều ước với chị Hằng trên cung trǎng thì sẽ được toại nguyện.

Người Trung Hoa tổ chức lễ mừng trǎng vào đêm rằm tháng 8. Đêm ấy, họ bầy tiệc cúng ông bà, cha mẹ và quây quần ǎn bánh Trung thu. Sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui chơi như múa lân, rước đèn cá chép hay đèn kéo quân. Tương truyền, đèn cá chép do ông Bao Công nghĩ ra để trừ yêu quái do cá chép biến thành, thường hiện ra vào các đêm trǎng. Mặt trǎng cũng là chủ đề cho những bài thơ, đêm đó cũng dành cho những hẹn hò đôi lứa, là lúc mà bạn hữu gặp nhau. Ngày rằm tháng tám mang một ý nghĩa thật đặc biệt cho tất cả những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên của Mặt trǎng.

Campuchia

Lễ mừng Trung thu của người dân Campuchia không diễn ra vào dịp trung thu tháng 8 mà chậm lại đến tết Hạ Nguyên Âm lịch. Họ vẫn giữ lễ mừng trǎng, lễ đó gọi là „OK OM POK“ hay „pithi sampes prǎk khe“. Buổi lễ được tổ chức vào ban đêm, với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, các loại khoai, mía… Họ cũng tổ chức các cuộc vui như hát tuồng, thả đèn giấy và thả thuyền trên những con sông.

Đại Hàn

Chusok hay còn gọi là lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Đại Hàn. Lễ hội diễn ra suốt vụ mùa, vì thế đây là dịp để người dân lễ tạ tổ tiên đã mang lại cho họ lúa gạo và quả ngọt.

Lễ hội được tổ chức từ đêm trước đêm rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Trong dịp này, người Đại Hàn luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn. Mọi người cùng nhau thưởng thức món bánh „Songphyun“. Thứ bánh đặc biệt này được làm từ gạo, đậu xanh, vừng và hạt dẻ. Sau đó, cả gia đình đi thǎm mồ mả, tổ tiên để bày tỏ lòng kính trọng, họ cúng gạo và hoa quả. Buổi tối, trẻ em mặc( hanbok (một loại váy cổ truyền của Đại hàn) mà chúng rất yêu thích, cùng nhảy múa vòng tròn dưới ánh trǎng. Cũng như ngày lễ tạ ơn ở Mỹ, Chusok là dịp để gia đình cùng tổ chức tạ ơn chúa trời.

Schreibe einen Kommentar

Deine E-Mail-Adresse wird nicht veröffentlicht. Erforderliche Felder sind mit * markiert