Ông Hai Cãi trẩy hội Xuân Giáp Thìn 2024 Hamburg Nguyễn Hữu Huấn
Ông Hai Cãi nắn lại cái cà vạt quanh cổ cho thẳng thắn, miệng lè nhè thúc dục bà vợ sửa soạn cho nhanh để kịp đi hội Tết. Chả là ông có người bạn già nối khố mà cũng cùng quê miệt vườn vùng Tây Nam Bộ với 9 cửa sông là ông Năm Cự, rủ ông lên Hamburg tham dự Hội Xuân „con Rồng“ do Hội người Việt tỵ nạn tổ chức vào ngày 17 tháng 2 năm 2024, tức mồng 8 Tết Giáp Thìn. Đã ba bốn năm rồi, chỉ vì cái con „Cô Vít“ làm con người điên đảo, phố xá vắng tanh, hàng quán dẹp tiệm, co ro trong cái vỏ ốc khổng lồ, không dám gặp mặt nhau, huống chi hội với hè. Bây giờ thì „sóng gió đã qua, bình minh chiếu rọi“, mọi sinh hoạt đã trở về bình thường. Vì thế khi nghe ông Năm Cự ngỏ lời, Hai Cãi nhà ta nhận lời tức khắc và nghĩ ngay đến thằng con trai lấy con vợ Đức đẻ cho hai ông bà 2 cô cháu nội xinh xắn. Hai giòng máu Đức-Việt mà, nhìn chúng kháu khỉnh và dễ thương làm sao ấy. Ông nghĩ đây là dịp may hiếm có để cho cô con dâu Đức, nhất là hai đứa cháu gái nội của ông biết thêm về văn hóa và phong tục tập quán của người Việt Nam – ông Hai Cãi lý luận.
Rồi hôm nay, ông Hai Cãi trịnh trọng mời vợ con lên xe,ẵm từng con cháu nội vào ghế, thắt giây an toàn rồi chạy một mạch hơn 200cs đến tận nơi. May quá, không bị kẹt xe, thời tiết lại thật đẹp, nắng đổ chan hòa, không khí lại ấm áp như ông Trời chiều lòng ban tổ chức và dân „Mít tỵ nạn“ tại Hamburg. Ông Hai Cãi cố tình đến sớm hơn gần 1 tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc với hy vọng còn có chỗ đậu xe và có thời gian đấu láo với đám bạn bè lâu ngày không gặp. Than ôi ! Bãi đậu xe của trường học (nơi tổ chức) chỉ vỏn vẹn vài chục chỗ, xe đậu đầy kín bãi, có lẽ chỉ dành riêng cho ban tổ chức. Chợt thấy có mấy anh em đeo giây „trật tự“ đứng đầy sân, dang hai tay chặn ngang xe của ông Hai Cãi, rồi rất nhã nhặn và thân thiện giải thích mong thông cảm, lại còn hướng dẫn đến những chỗ đậu xe miễn phí dọc trên các con đường chung quanh trường học. Ông Hai Cãi dễ dàng tìm được chỗ đậu xe an toàn. Người Việt tỵ nạn Hamburg sao lịch sự và thân thiện thế. Cám ơn người Hamburg.
Ông Hai Cãi hùng dũng hai tay dắt hai đứa cháu nội đi trước, bà vợ thủng thỉnh tà tà với đứa con dâu Đức và chồng nó theo sau. Chưa đến cửa hội trường đã thấy ông Năm Cự miệng cười toe toét đón vợ chồng, con cháu Hai Cãi vào. Chợt bà Hai Cãi nhắc nhở : “Nè hai ông coi chừng đó nghen. Đây là chỗ đông người, không nên cãi vả lớn tiếng nghen. Sao ông bà hồi đó đặt tên hai ông Cự với Cãi làm chi mà cứ gặp nhau là có chuyện cãi vả tùm lum. Già chát rồi đó, coi chừng tui, giữ mồm giữ miệng dùm“. Ông Cãi ông Cự nhìn nhau ra cái điều đã biết nghe chuyện phải trái.
Giá vé vào cửa 10 ERO/người, hai đứa cháu, một đứa 4, một đứa 7 tuổi…khỏi trả tiền. Thật rất chi là OK hợp lý. Thời buổi này mà, kinh tế khó khăn, lạm phát bay như diều gặp gió, tiền bạc thì mất giá không phanh, không có gì…là chùa. Một tô phở đã trên dưới 15 EUR, huống chi hôm nay vừa được dự nghi lễ truyền thống đầu năm của dân ta, vừa được xem múa lân, đầy đủ trọn bộ văn nghệ ca hát, nhảy múa với cả một ban nhạc sống mang tên Cát Bụi, lại thêm màn chơi Lô Tô trúng số lấy hên đầu năm và sau cùng còn có luôn cả cái màn nhẩy đầm cho đến sáng. Tổng cộng vé vào cửa của cả gia đình Hai Cãi 6 mống, cũng chưa mua nổi 3 tôi phở tái chín. Ông Hai Cãi lẩm bẩm: Rẻ hơn bèo, đòi gì hơn, cứ coi như ủng hộ mà“
Hội trường tuy không rộng lớn lắm nhưng cũng xếp được khoảng gần 300 ghế ngồi, chưa kể chỗ đứng chung quanh. Thêm phòng bên cạnh bán đủ thứ món ăn thuần túy đậm đà hương vị dân ta với đầy đủ bàn ghế đàng hoàng, dĩ nhiên không thiếu món bánh chưng, bánh cuốn, „chả giò“ mà dân Bắc Bộ gọi là „Nem rán“. Còn món „Nem chua“ thứ thiệt của dân Nam Bộ thì không thấy, chắc Ban Tổ Chức không muốn đám „bợm nhậu“ lợi dụng…“lấy mồi thả câu“ chăng? Nhiều cháu bé lính xính với chiếc áo dài tí hon chạy lăng xăng, người lớn tuổi thì hân hoan tay bắt mặt mừng, gặp lại nhau sau nhiều năm tháng không gặp. Các cụ nói chuyện „ngày xuân tái ngộ“ hay „chính chị chính em“ thì ít, chuyện sức khỏe nhức xương, cao máu hay khoe cái hàm răng giả… thì nhiều. Các cụ to nhỏ khuyên nhau gìn giữ sức khỏe, rồi đồng thanh biểu quyết rằng thì là: „Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình“…Ông Hai Cãi nghe qua cười miểng chi càu nháu cứ tưởng mình đang nghe các bác sĩ họp trong bệnh viện. Ông Năm Cự ra cái điều đứng đắn hiểu biết cự ngay ông Hai Cãi: „Thôi đi cha nội, chớ bộ cha nội muốn mấy khứa lão nói chuyện “Lý trí của em, em để trong túi quần, nhưng khi gặp anh em lại mặc váy – Nghèo mà ham !“ Hai Cãi định cãi, nhưng chợt nhớ lời vợ nên đành im re.
Nhưng nhìn chung thì giới trẻ vẫn chiếm đa số. Rất mừng, vì đó là một điểm son, chứng tỏ giới trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tỵ nạn vẫn còn tha thiết với truyền thống và văn hóa của cội nguồn mình. Ông Năm Cự chỉ cho vợ chồng Hai Cãi một quầy hàng ghi chữ „Yểm trợ Tù Nhân Lương Tâm“ rồi nói rằng, do cụ bà Vũ Thị Khiếu đã 80 tuổi là…“Tổng chỉ huy các lực lượng đấu tranh cho Tự Do và Nhân Quyền tại Việt Nam“. Bà Hai Cãi ngạc nhiên quá vì thấy cụ bà vẫn còn phong độ khỏe mạnh, ăn nói nhẹ nhàng như…ngâm thơ, tay chân thoăn thắt như thiếu nữ với mái tóc… bạc trắng đầu. Không những chỉ một mình cụ bà, mà cả gia đình cụ từ em út đến các con các cháu từ hàng chục năm nay vẫn không ngừng nghỉ tranh đấu cho Tự Do và Nhân Quyền tại Việt Nam. Nghe nói cụ bà còn là „giám đốc“ kiêm „tổng chỉ huy“, kiêm luôn chức „thủ quỹ“ của các „nữ quân nhân“ phục vụ quầy hàng ăn uống trong ngày Hội Xuân này. Vợ chồng Hai Cãi nhìn và bái phục cụ bà và các chj em nhưng không đám lân la làm quen với đám con cháu hai bà Trưng và bà Triệu Ẩu. Còn nữa, ông Năm Cự lôi xoành xoạch vợ chồng ông Hai Cãi sang quầy hàng không có „bảng hiệu“, trên đó có một nồi thịt heo kho tổ chảng, thêm mấy trái trứng gà luộc trôi bềnh bồng. Ông Hai Cãi mắt nhắm mắt mở nói oang oang. „Hay hén ! Có cả nồi bánh trôi nước nữa nè“. Ông Năm Cự cự lại liền: „Thôi đi cha nội, nồi thịt kho của người ta mà cha nội nói là nồi bánh trôi“. Ông Năm Cãi vẫn ngoan cố cãi : „Thì tui thấy nó có mấy cục tròn tròn nên nghĩ là nồi bánh trôi chứ còn chi nữa mà cự tui“. Bà Hai Cãi nhào vào: „Thôi hai ông im ngay đi !“. Hóa ra đây là quầy thức ăn thức uống dành riêng cho các anh chị em trong ban tổ chức do đôi vợ chồng ông bà Nguyễn Tích Phùng và Đàm Thị Bích LIên phụ trách. Không những luôn hợp tác tiếp tay với mọi sinh hoạt của Hội, ông Nguyễn Tích Phùng còn là khuôn mặt đại diện của hội VAF (Vietnamese American Foundation) với dự án “Vận động trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội BIên Hòa“, nơi có khoảng 16.000 ngôi mộ của các chiến sĩ VNCH đã hy sinh đến nay vẫn xơ xác hoang tàn không được chăm sóc. Còn bà Đàm Thị Bích Liên là hội trưởng Hội Cao Niên tại Hamburg với hơn 50 cụ ông cụ bà. Bà cho biết mỗi thứ bảy đầu tháng đều họp mặt hàn thuyên. Có 3 ông bác sĩ là Văn Công Tâm, Nguyễn Hoàng Cương, Dương Anh Dũng và bà dược sĩ Mỹ Hiền giải đáp mọi thắc mắc về bệnh tật và thuốc men. Ông bác sĩ Văn Công Tâm chính là em ruột của cố sư bà Thích Nữ Diệu Tâm, Viện Chủ Khai Sơn chùa Bảo Quang Hamburg. Ông Hai Cãi nghĩ chắc vì thế mà các cụ ông cụ bà ở Hamburg sẽ sống lâu hơn mình.
Thằng bạn già Năm Cự – sinh sống đã lâu tại Hamburg, nên nó quen lớn ở đây lắm – giới thiệu ông Hai Cãi với ông kỹ sư Nguyễn Đình Phúc, đương kim hội trưởng Hội NVTNCS Hamburg, kiêm trưởng ban tổ chức. Ông hội trưởng cho biết, Hội Xuân Hamburg năm nay được rất nhiều hội đoàn, đoàn thể cộng tác như Liên Đoàn Hướng Đạo Hoa Lư, Công Đoàn Công Giáo với ca đoàn Thánh Linh, Giáo Hội Thánh Tin Lành của Mục Sư Lê Ngọc Tùng (từng là Chủ Tịch Hội NVTNCS Hamburg nhiều nhiệm kỳ), nhóm các em Múa Lân Hamburg, ban nhạc trẻ Cát Bụi, và cả các cụ trong ban cao niên. Ngoài ra còn có nhiều anh chị em từ Đan Mạch, Na Uy và nhiều thành phố lân cận như Bremen, Hannover …cũng chung tay hỗ trợ. Các anh chị em đều hy sinh nỗ lực bỏ rất nhiều công sức từ chiều ngày hôm trước và từ sáng sớm hôm nay để sửa soạn cho chương trình mừng Xuân này. Ấy là chưa kể đến việc„hậu Đại Hội“, dọn dẹp khiêng vác làm sạch sẽ, nhặt từng cọng rác từ trong phòng ra ngoài sân…Đúng là việc „Ăn cơm nhà vác ngà voi“. Riêng ông Hai Cãi cũng đã từng gánh vác hội này hôj nọ tại địa phương nhỏ xíu của mình mà cũng te tua không ít, nên ông rất thông cảm và chỉ muốn gởi lời cám ơn đến tất cả mọi người trong ban tổ chức. Ông hội trưởng còn cho biết thêm sẽ có sự hiện diện của ông Christoph de Vries, nghị viên trong Quốc Hội Liên Bang (Hạ Viện Đức) và ông Andreas Grutzeck, nghị viên Quốc Hội tiểu bang Hamburg, Cả hai đều thuộc đảng CDU (Đảng Liên Minh Dân Chủ Kito Giáo Đức). Ông Hai Cãi có chút tiếng Đức đủ hiểu đủ nghe, mà còn „điếc không sợ súng“ nên mạnh dạn theo chân ông Hội Trưởng đến bắt tay….điếu đóm làm quen rồi …chụp ảnh treo tường lấy le với hàng xóm.
Điều khiển chương trình do 3 xướng ngôn viên Lưu Minh Mẫn, Mỹ Lệ và Ngân Tuyền. Tất cả đều duyên dáng trong bộ y phục cổ truyền với hai ngôn ngữ Việt Đức. Nghi thức khai mạc Hội Xuân với lễ chào cờ Việt Đức. Bản Quốc Ca VNCH „Này công dân ơi…“ và bản Quốc Ca Đức „Deutschland Deutschland über alles….“ (Nước Đức,nước Đức trên tất cả mọi thứ…) do ca đoàn Thánh Linh hợp ca vang lên. Cả hội trường và quan khách đều nghiêm chỉnh đứng lên. Sau đó là phút mạc niệm các chiến sĩ Quân Lực VNCH, các đồng hương đã bỏ mình trên biển cả hay trong rừng sâu nước độc vỉ lý tưởng Tự Do, Nhân Bản. Rồi nghi lễ truyền thống với ba cụ khăn đống áo dài, cố gắng xếp lưng quỳ gối đọc sớ trước bàn thờ Tổ Quốc với đủ hương hoa nhang đèn. Nhất bái, nhị bái đến tam bái trong…âm thầm, đám trẻ thanh niên thiếu nữ thuộc các thế hệ sau đứng nhìn không biết có hiểu gì hay không, chứ mấy quan khách người Đức chắc…mù tịt vì không có ai trên sân khấu diễn nghĩa, giải thích. Thật là điều đáng tiếc được gọi là „trục trặc vì lý do kỹ thuật“ vẫn thường gặp phải và dễ được thông cảm. Có điều sau này trong lúc đang ngồi ăn bánh chưng, ông dân biểu Hamburg ghé tai ông Hai Cãi thỉ thầm bảo rằng: „Bác biết không, tôi đi họp dân biểu hàng ngày mà trong đó cũng có vài ba trự chẳng thuộc nổi bài Quốc Ca Đức. Ấy thế mà con cháu các bác cũng là dân Đức nhưng gốc Việt nhập tịch, vừa thuộc lại vừa hát Quốc Ca Đức hay như vậy quả là chuyện quá ngạc nhiên bất ngờ với tôi“. Ông Hai Cãi cũng bất ngờ theo, ú a ú ở nói được hai chữ „Danke schön“ cho phải đạo. Màn mừng tuổi ông bà và lì xì cho con cháu do hai ông bà Phạm Văn Hóa đại diện (Ông Năm Cự vượt biên cùng ghe với gia đình ông bà này, ông bà vừa là chủ ghe vừa là tài công – Cám ơn ông bà đã đưa gia đình Hai Cãi tới bến bình an). Có mấy cháu bé dễ thương thế hệ thứ ba chúc tuổi ông bà bằng tiếng Việt rất sành sỏi và mạnh dạn, tuy không nghe rõ lắm vì các cháu không quen xử dụng cái „Mi Cờ Rô“, nhưng ai cũng hiểu được. Phải nói lời cám ơn các đấng sinh thành của các cháu có công hướng dẫn, dậy dỗ tiếng Việt.
Sau phần chào mừng quan khách của ông chủ tịch Hội NVTNCS Hamburg là phần phát biểu của ông dân biểu Quốc Hội Liên Bang Đức. Ông nói : „ Rất vui mừng được tham dự ngày Tết cổ truyền VN này, được hội ngộ với những con người đã liều mình trốn chạy chế độ cộng sản độc tài và bạo chúa từ cuối thập niên 1979…Và ngày nay, với sự thông minh, chăm chỉ, khao khát tìm tòi học hỏi và tư cách lịch sự, các bạn chính là mẫu mực điển hình cho sự hội nhập trên đất nước này“.(Nguyên văn). Ông cho biết trước năm 1975, ông thân sinh của ông đã từng 2 lần qua công tác tại Việt Nam. Sau đó ông còn mời người Việt tỵ nạn Hamburg đến thủ đô Bá Linh đi thăm tòa nhà Quốc Hội Đức mà không phải trả bất cứ chi phí nào.
Trên hàng ghế đầu ông Hai Cãi thấy có bà bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Công Hòa Liên Bang Đức. Còn phu quân của bà trịnh trọng khăn đống áo dài đứng phụ trách quầy sách của đảng Việt Tân. Ông Hai Cãi tiếc mãi không có dịp chúc Tết hai ông bà chỉ vì mình lâu ngày gặp lại bạn bè cũ nên quá…“ham vui“. Chương trình mừng Xuân cứ thế tiếp tục. Màn múa lân đặc sắc của các em trong đoàn múa lân Hamburg thu hút đám trẻ con nhiều hơn người lớn, nhất là 4 đứa con (1 trai 3 gái) của ông dân biểu Quốc Hội Liên Bang Đức và đám cháu bé nửa Đức nửa Việt. Không biết ai chỉ đường dẫn lối mà 4 đứa con của ông cũng chạy theo dúi tiền lì xì vào miệng ông địa và con lân. Bà Hai Cãi cũng vội dắt hai cô cháu nội chạy theo. Ban đầu hai đứa còn „chùn chân lạnh cẳng“, nhưng chỉ một thoáng sau chúng nó cứ đi theo con lân rồi „vuốt râu hùm“, thọt luôn cánh tay vào miệng con lân lì xì. Ông bà Hai Cãi thích quá, vỗ tay cười toe toét. Biết đâu sau này sẽ có con lân, có ông địa …chính tông „Made in Germany“ Đức Quốc, chắc cũng chẳng lạ gì cho lắm, ông Hai Cãi vẫn cứ…mơ như thế.
Có ông bác sĩ mổ tim Dương Anh Dũng làm cử chỉ đẹp, móc túi nhét 5 Euro trong bao lì xì mừng tuổi mấy đứa con của ông dân biểu Quốc Hội Đức. Mấy phút sau cậu con trai nhỏ chạy ngược đến, tay cầm bao lì xì như muốn trả lại, miệng nói rằng: „Sao ông cho tôi số tiền lớn như vậy ? Tôi không được phép nhận đâu.“ Ông bác sĩ tim mạch ân cần giải thích mãi cậu ta mới nhận. Ông Hai Cãi chứng kiến cảnh này rồi ngẫm nghĩ về cách giáo dục con cái biết quý trọng đồng tiền như thế, quả rất đáng để người mình noi theo lắm chứ. Ông Nam Cãi chẳng xa lạ gì với ông bác sĩ mổ tim này. Bạn cùng lớp học tiếng Đức trong tỉnh Denklingen thuộc tiểu bang Bayern khi mới qua Đức. Sau đó thì chia tay, gặp nhau lại tại Düsseldorf. Rồi ông Hai Cãi dọn đến Hannover, ông bác sĩ lên Hamburg mổ tim. Nghĩ đến đó ông Hai Cãi gật gù mỉm cười vì đến bây giờ ông vẫn gọi một ông bác sĩ bằng…“mày mày tao tao“, với các ông bác sĩ khác thì…“bố bảo“. Thấy vui vui, ông trốn vợ ra ngoài hút một điếu thuốc cho đời thêm vui. Ông càng vui thêm khi biết thằng bạn bác sĩ này cũng nằm trong ban tổ chức, cũng khiêng bàn khiêng ghế, cũng quét dọn hội trường và hôm nay còn làm trưởng ban tiếp tân đón tiếp khách người Đức và các viên chức chính quyền. Hèn chi ông Hai Cãi thấy nó lăng xăng như con gà mót đẻ, bưng khay rót nước (nhưng không sửa túi) mời cha con hai ông chính trị gia Đức thưởng thức món bánh chưng chấm…nước mắm, cây chả giò chấm tương ớt hiệu con ngỗng…Hình như nó còn là con thoi giữa Hội người Việt TNCS Hamburg và các giới chức chính quyền. Ngày thằng bạn bác sĩ chọn một nàng tóc vàng mũi lõ mắt xanh về làm vợ, ông Hai Cãi không lên chung vui được. Nhưng Hai Cãi cứ thắc mắc một điều là thằng bác sĩ bạn ông „giáo dục“ vợ ra sao mà bà vợ Đức của nó ngày nay biết cầm đũa đùa cơm vào miệng, còn thịt bò nhúng dấm chấm mắm nêm, rau muống chấm mắm tôm hay xoài chua chấm muối ớt…bà xơi hết ráo…trừ món thịt chó. Không những thế, bà bác sĩ nhà ta còn hăng say theo chồng „vác ngà voi“, hòa đồng với mọi người, đảm nhận bất cứ việc gì khi cộng đồng Việt Nam cần đến.
Ông Hai Cãi bất ngờ làm quen với một cụ tóc trắng như tuyết, dáng vẻ còn khỏe khoắn lắm. Cụ bảo cụ người miền Trung, năm nay 86 tuổi, họ Huỳnh tên Thoảng, vượt biên, được tàu Cap Anamur cứu vớt và đến Hamburg từ đầu năm 1980. Chính nhờ cụ mà ông Hai Cãi biết thêm nhiều điều rất đặc biệt và hiếm có của Hội NVTNCS Hamburg này. Mùa hè 1979 có 274 thuyền nhân VN từ trại tỵ nạn Pulau Bidong được tòa báo Die Zeit tự đứng ra bảo lãnh và tiếp nhận định cư tại Hamburg. Chính các anh em trong số này đã đứng ra thành lập „Hội người Việt tại Hamburg“. Qua năm 1980 khi số thuyền nhân được định cư tại Hamburg gia tăng mạnh qua các chuyến tàu nhân đạo của Ủy Ban Cap Anamur thì được đổi tên thành „Hội Người Việt Tỵ Nạn CS tại Hamburg“, đồng thời được đăng ký chính thức tại tòa án Hamburg. Đây chính là Hội NVTNCS đầu tiên của người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức và cụ Huỳnh Thoảng là vị chủ tịch đầu tiên của Hội. Thêm một điểm son đáng ca ngợi là Hội Người Việt TNCS Hamburg là Hội độc nhất trên toàn nước Đức vẫn bền bỉ liên tục hoạt động mãi cho đến ngày hôm nay với 45 năm trời ròng rã, xuyên qua hơn 10 đời các Ban Chấp Hành. Một thành trì kiên cố tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền, Nhân Bản đúng theo các điều luật cơ bản của con người đã được ghi trong Hiến Pháp của nước CHLB Đức. Một tờ báo mang tên „VietHamb“ bằng song ngữ Việt-Đức cũng do Hội xuất bản và cũng là tờ báo đầu tiên tại Đức do chính các thuyền nhân tỵ nạn đảm trách. Ông Nguyễn Hòa, bút hiệu Tùy Anh và Phù Vân (nhà thơ, nhà văn) chính là cha đẻ của tờ báo này. Ông luôn sát cánh với mọi sinh hoạt của Hội và là chủ bút tờ báo Phật Giáo Viên Giác lớn nhất Âu Châu cho đến ngày nay. Tiếc thay ông đã qua đời vào năm 2023 với nhiều thương tiếc của mọi người. Cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại Hamburg có quyền hãnh diện với những thành quả trên và mong sao các anh chị vẫn luôn đoàn kết, chung tay tiếp tục giữ vững con đường đã và đang đi qua này.
Chương trình chung vui Tết cổ truyền vẫn tiếp tục. Ban Tổ chúc lại cho biết thêm một chi tiết lạ: chương trình vui Xuân..“không có Pause“, nghĩa là „chơi“ liên tục không ngừng nghỉ từ 17:00 giờ chiều hôm trước đến 02:00 giờ sáng hôm sau. Thế mà các anh chị em trong ban tổ chức vẫn “khí thế bừng bừng” chạy ngược chạy xuôi mới là chuyện lạ, ấy là chưa kể việc dọn dẹp, khiêng vác đồ nghề và làm sạch sẽ….Hai Cãi thấy có một cậu rất nhỏ con, mặc áo lạnh trùm đầu, trên tay luôn có một bao rác xanh khổng lồ chạy ngược chạy xuôi suốt cả chương trình. Theo dõi mãi Hai Cãi mới biết là cậu ta liên tục âm thầm dọn dẹp các thùng rác trong bếp mang ra ngoài đổ. Thật đáng phục thay, nhưng ông Hai Cãi không quen không biết, nên đâu dám mở lời. Ông Hai Cãi bỗng thoáng nghĩ đến các anh em trật tự ngoài cổng sân trường. Họ đứng đó chịu trận từ giây phút ban đầu đến giây phút cuối cùng của chương trình Hội Xuân mặc sương khuya gió lạnh để cho chúng ta yên tâm vui Xuân trong trật tự. Ông Hai Cãi xúc động lắm, chỉ biết cám ơn trong lòng và cầu ơn Trên phù hộ trả công cho các anh em ấy..
Qua đến là màn „Phát giải thưởng cho các em học sinh xuất sắc“ quả là rất lạ đối với ông bà Hai Cãi. Lạ là vì hầu như không có đoàn thể, tổ chức người Việt nào tại Đức làm được công việc này. Các cháu có học bạ tốt, điểm từ 1 đến 2 trong 3 năm gần nhất đều được nêu tên lãnh thưởng. Đặc biệt có 1 cháu gái (không nhớ tên) vừa đỗ Tú Tài (Abitur) với điển 1,0. Hèn chi ông Hai Cãi nhớ lại mình đã đọc thống kê của truyền thông Đức trước đây vài năm là giới trẻ Việt Nam có tỷ lệ đậu Abitur (Tú tài) cao nhất trên toàn nước Đức, trên luôn cả giới trẻ Đức. Ông Hai Cãi thầm cám ơn các anh chị trong Hội đã sáng tạo ra tiết mục này để khuyến khích con em chúng ta cố gắng học hành làm rạng danh dân Việt. Cám ơn các bậc cha mẹ có công nuôi dưỡng và giáo dục các cháu. Ông Hai Cãi chợt nhớ là mình đã đọc ở đâu đó đoạn văn sau: “Tham gia lễ hội mừng Xuân không chỉ là nghe nhạc, xúng xính quần áo đẹp, rồi nhảy múa, hay chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Đó mới chỉ là bề nổi mà thôi. Bề sâu phải là bản sắc dân tộc, là giá trị văn hóa, là tinh thần hướng về quê hương dân tộc, hướng về tương lai của các thế hệ tiếp nối ngay trên mảnh đất quê hương thứ hai nơi mình đang sinh sống”.
Phần Lô Tô rầt hấp dẫn nhờ tài xướng Lô Tô của anh Trí (không biết họ) quá hay, mà theo ông Hai Cãi không kém gì đoàn Lô Tô Sài Gòn Tân Thời của các cậu đổi hệ thành cô, cô nào cô nấy đều đẹp hơn tiên giáng trần. Nghe nói có người trúng 5 con số, bợ luôn 600 Euro tiền mặt. Sau cùng là phần „nhạc sống“ của ban nhạc Cát Bụi Hamburg. Các em, các cháu đều là thế hệ thứ hai của người Việt tỵ nạn Hamburg đã lặn lội gió mưa tập dượt cả tháng trời. Người lớn tuổi thưa dần vì…”không hợp khẩu vị”. Một số vẫn còn nuối tiếc, các lão bà còn lại thừa dịp tụm năm tụm ba…”nhiều chuyện”. Các lão ông càng “lắm chuyện” hơn, hè nhau ra sân cũng “họp tổ”, cười nói vang trời, đủ chuyện mày tao chi tớ, quên luôn màn xổ số Lô Tô. Dĩ nhiên ông Năm Cự cũng rủ rê ông bạn Hai Cãi hăng hái tham gia. Vừa ngay lúc cao điểm „nhiều chuyện“ nhất thì bất chợt bà Hai Cãi dẫn 2 cô cháu nội mặt mũi ỉu xìu bước ra bảo ông Hai Cãi lái xe đi về vì chúng nó buồn ngủ quá rồi. Bố bảo ông Hai Cãi dám cãi, cháu nội vẫn luôn là…“ông nội của ông nội“ mà. Trước khi ra về, ông Hai Cãi tìm cho bằng được ông hội trưởng Hội NVTNCS Hamburg để cám ơn và chúc Hội luôn thẳng tiến. Nhìn ông Hội trưởng mà ông Hai Cãi quặn lòng. Mới sáng nay còn phong độ tươi như hoa, bây giờ thì ôi thôi te tua xơ xác… thấy mà thương. Ôi! Việc cộng đồng không công. Ông Hai Cãi nói lời cảm phục và cám ơn đến tất cả các anh chị.
Trên đường về, hai cô cháu nội ngủ ngon lành như say rượu, thằng con trai với đứa con dâu cười đùa xì xà xì xầm gì đó bằng tiếng Đức. Kệ chúng nó đi, riêng ông bà Hai Cãi thì vui như Tết vì được gặp lại người quen, lâu ngày tái ngộ bạn bè và có được một ngày hội Xuân đầy ý nghĩa. Ông Hai Cãi còn vui hơn nữa vì đã có dịp cho đứa con dâu Đức và hai cô cháu nội hiểu biết và làm quen thêm với văn hóa và phong tục tập quán của người Việt Nam mình. Ông nghĩ ngay đến gia đình cố tiến sĩ Rupert Neudeck và Ủy Ban Cap Anamur. Người Việt tỵ nạn trên nước Đức ngày nay – đặc biệt từ thế hệ thứ hai – đã thành công mọi mặt, từ kinh tê thương mại đến khoa học, chính trị và truyền thông…thậm chí cả trong lãnh vực thể thao. Từ kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, đến các chuyên gia và các sĩ quan cao cấp trong quân đội Đức…Chính các chính trị gia và các phương tiện truyền thông Đức, hay người dân Đức bình thường cũng đều đã và đang xác nhận điều này. Ông Hai Cãi nhớ lại hôm khánh thành tượng đài tỵ nạn tại cảng Hamburg vào tháng 9 năm 2009, cố tiến sĩ Wolfgang Schäuble, lúc đó còn là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Đức đã khẳng định rằng: „Nếu có một thí dụ nào đó cho thấy sự hội nhập không phải là mối đe dọa mà là sự phồn thịnh, thì đó chính là câu chuyện của những người Việt Nam đang chung sống giứ chúng ta.“ Nói cho cùng, ông Hai Cãi vẫn nghĩ rằng, nếu không có cố ts Rupert Neudeck, nếu không có Ủy Ban Cap Anamur và người dân Đức, chắc chắn chúng ta không có cơ hội sống sót đến ngày hôm nay để hưởng được nhiều thành quả hương thơm trái ngọt do chính chúng ta vun xới và được thể hiện ra từ các con các cháu của các thế hệ tiếp nối. Ông Hai Cãi vừa lái xe vừa lẩm bẩm đôi lời cám ơn và cầu nguyện cho hương linh của cố ts Rupert Neudeck….Bà Hai Cãi ngồi bên đang ngáy ngủ giật mình hỏi lại: “Ông nói chi vậy ?”. Ông Hai Cãi cười “miểng chi” nói …như thật : “Tui nói tui thương má bầy trẻ mà”…
Nguyễn Hữu Huấn